Mình đã “sống sót” qua 2 năm học Bách Khoa như thế nào?

Chào các bạn,

Bài viết này mình không bàn luận về đồ ăn thức uống nữa mà “đá” sang chút về cuộc sống sinh viên và kinh nghiệm học Bách Khoa của mình nha!

Mình là một sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – Một ngôi trường top đầu của Việt Nam và mình luôn tự hào vì là sinh viên của trường. Tuy nhiên, vì nằm trong top đầu nên chất lượng đào tạo của trường luôn đòi hỏi rất là cao.

Và cái thông tin mỗi năm trường đuổi 700 – 800 sinh viên, sinh viên tạch môn không đếm xuể cũng thường xuyên được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Nghe thì có vẻ khá là đáng sợ đúng không ? Nhưng đúng là nó đáng sợ thật =)))).

Nếu như bạn nghĩ rằng được vào đại học sẽ ăn chơi xả láng, thoải mái tự do? Đúng nó đúng với các trường khác nhưng chắc chắn không đúng với Bách Khoa. Bởi vì nếu bạn mà ăn chơi xả láng ở Bách Khoa bạn chỉ có nộp tiền đi học lại thôi.

Mà học phí của trường thì mỗi năm tăng đều. Hiện tại học phí trường đang khá là cao, mỗi năm khoảng 40 triệu/1 sinh viên chương trình đại trà thôi nhé, chưa kể đến những chương trình quốc tế khác. Nên nếu không tập trung bạn dễ dàng ném tiền của ba mẹ mình ra cửa sổ đó.

Chưa kể ở Bách Khoa có những môn không phải cứ chăm chỉ học là có thể qua được. Nói chung cũng rất là “hên xui” vì có môn dễ có môn khó và cũng tùy thầy cô dạy bạn, phương pháp mà bạn học phù hợp hay không.

Thường thì muốn có điểm cao hoặc dễ qua môn mình thường xinh kinh nghiệm và tài liệu học tập của các anh chị khóa trên. Và mình thấy cách này khá là hiệu quả để bạn có thể hình dung ra trước là môn này mình phải học như thế nào, thầy cô như thế nào và tài liệu thì nên chọn tài liệu nào.

Như thế thì khi mà học môn đó sẽ đỡ bị bỡ ngỡ và tránh được tình trạng học rất chăm nhưng lại tạch môn hoặc bị điểm thấp. Nhưng mà cái này bạn cũng phải tham khảo tình hình nhé! Nếu như có thầy cô mới về này hay đổi đề chẳng hạn thì phải linh hoạt mà đổi phương pháp học.

Tuy nhiên thì để có thể quen biết được các anh chị khóa trên thì phải làm thế nào? Đương nhiên là tham gia vào nhiều các câu lạc bộ, đội Tình nguyện hoặc các tổ chức khác như liên chi đoàn, liên chi hội,… Các anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn thôi. Đây cũng là điểm mà mình rất quý ở Bách Khoa vì ở đây mọi người luôn hòa đồng và chia sẻ giúp đỡ tận tình cho nhau.

Năm nhất thì không thể không nhắc đến Combo đại cương huyền thoại rồi. Nào giải tích nào đại số nào lý 1 lý 2 lý 3. Nghe mà muốn đau đầu. Tuy nhiên nếu biết phương pháp học các môn này thì năm nhất của bạn sẽ vô cùng nhàn nhã thôi. Lên đại học một điều chắc chắn bạn phải làm quen đó là TỰ HỌC.

Việc này vô cùng quan trọng luôn. Mình đã thấy rất nhiều bạn năm nhất bị khủng hoảng và choáng khi mới lên đại học. Đặc biệt là ở Bách Khoa, khi mà một buổi học bạn phải nhồi nhét kiến thức cả 1 chương trong khi ở cấp 3 phải đến vài tuần bạn mới học hết.

Hầu hết vấn đề  mà các bạn gặp phải đó là thầy cô dạy không hợp, các bạn bị chán và không muốn học dẫn đến không có kiến thức và việc tạch môn đương nhiên diễn ra. Vậy nên việc TỰ HỌC chủ động tìm kiến thức để học vô cùng quan trọng.

Ở Bách Khoa có rất nhiều các tổ chức giúp đỡ các bạn trong việc học các môn đại cương. Bạn có thể tham gia các khóa học đó, chủ động tìm các nguồn tài liệu, hoặc là sự giúp đỡ của các idol trong lớp. Người ta nói “Học thầy không tày học bạn” mà có khi bạn dạy lại hiệu quả hơn thầy.

Nhưng tóm gọn lại thì việc CHỦ ĐỘNG trong học tập là quan trọng nhất. Không nhất thiết là cứ phải nghe thầy cô giáo giảng mới có thể học được.

Theo kinh nghiệm của mình thì các môn giải tích, đại số bạn hãy follow những page hoặc tham gia những nhóm học tập, ở đấy bạn không hiểu hoặc không làm được bài có thể đăng bài để hỏi và trong những nhóm học tập đó cũng thường xuyên có những bài đăng chia sẻ tài liệu kinh nghiệm học tập hữu ích cho bạn.

Còn riêng về các môn lý, bạn nào học thực phẩm như mình sẽ phải học tới tận 3 môn vật lý đại cương cơ. Nghe thì đáng sợ vậy thôi chứ học lý mình thấy lại dễ nhất (mặc dù mình thi khối B và mù lý suốt 3 năm cấp 3).

Nếu như đề không đổi thì bạn chỉ cần làm hết tập đề ở thư viện nhớ công thức, nhớ đáp án là có thể qua môn. Còn nếu muốn điểm cao thì tất nhiên phải nỗ lực nhiều rồi. Về những môn Triết thì không thể bàn cãi gì ngoài chuyện phải học thuộc nhiều rồi hoặc bạn nào tự tin về độ may mắn của mình thì có thể dùng “phao cứu sinh” nhé. Trộm vía thì may mắn là mình chưa bị tạch môn nào nên bạn nào sắp thành sinh viên BK có thể tham khảo kinh nghiệm của mình nhé!

Mình có một kiểu học và tiếp thu rất khác mọi người và kiểu hơi “phiền phức lằng nhằng”. Từ lúc lên năm 2 mình rất ít nghe giảng trên lớp. Thường đến lớp mình sẽ ngủ hoặc là sẽ không ghi bài mà tập trung nghe giảng và để điện thoại ghi âm lại những gì thầy cô giáo giảng. Sau đó thì lúc nào mà mình tỉnh táo nhất thì mình sẽ ngồi nghe lại và chép bài.

Thì những lúc học như thế mình cảm thấy hiểu và tiếp thu tốt hơn là nghe giảng trên lớp,  không hiểu chỗ nào thì bạn có thể replay lại nhiều lần. Thế nên mình cũng thích học online hơn là offline bởi vì khi học online mình có thể xem lại kĩ những bài giảng của thầy cô hơn.

Nhưng mình chỉ làm vậy với những môn mình thích và quan trọng với ngành học thôi bởi vì cách này khá là dài dòng và tốn thời gian . Tuy nhiên bạn nào đến lớp mà cứ hay bị buồn ngủ, hoặc là bị tiếp thu chậm giống mình thì có thể thử phương pháp này để không bỏ lỡ kiến thức quan trọng nha.

Ở Bách Khoa, mình cảm thấy thời gian trôi qua nhanh cực kì. Vừa mới vào học mà thoáng cái đã thi giữa kì và thi cuối kì. Thường thì mình thấy hầu hết các bạn sinh viên kể cả mình đều học kiểu chơi đầu kì xong chạy nước rút cuối kì ý.

Tức là đầu kì chả học gì xong rồi cuối kì thức cả đêm ôn thi sấp mặt luôn. Mình thấy học như vậy rất khổ và mệt nên các bạn hãy cố gắng học đều đều cả kì nhé! Chăm chỉ một chút để đỡ vất vả và điểm cao nha.

Nhưng mà nếu không chăm chỉ được cũng không sao, trải nghiệm về những buổi học thâu đêm suốt sáng rồi cắm cọc ở thư viện sẽ không bao giờ khiến bạn quên đâu. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt của Sinh viên Bách Khoa.

Ôn thi rất là vất vả và áp lực nhưng có lẽ vì thế mà sinh viên trường mình mới được coi trọng.  Nói đến việc ôn thi thì mình lại nhớ đến thư viện trường mình. Mỗi lần sắp thì 2-3 tuần thôi là ngày nào cũng chật kín. Không lên sớm là không có chỗ ngồi luôn mặc dù là cái thư viện to nhất nhì Việt Nam đó.

Một điểm quan trọng không kém khi học Bách Khoa đó là điểm rèn luyện. Nói nôm na đó là điểm để xét sự “rèn luyện” của sinh viên trong kì học. Để có điểm rèn luyện cao không chỉ cần điểm học tập cao mà bạn phải tham gia nhiều các hoạt động như văn nghệ, thể thao, tình nguyện, rồi tham gia các hội thảo khoa học hướng nghiệp,….

Điểm rèn luyện cao thì có thể giúp bạn có được học bổng, danh hiệu “sinh viên 5 tốt”,.. nếu bạn không đam mê những thứ đó thì cũng phải cố tham gia các hoạt động để đủ trên 50 điểm nhé. Nếu 2 kì liên tiếp mà điểm rèn luyện của bạn dưới 50 bạn sẽ bị đình chỉ một học kì đó.

Để năm tháng thanh xuân của bạn rực rỡ hơn thì hãy tham gia vào những tổ chức đoàn hội, các câu lạc bộ, đội tình nguyện nhé! Nó sẽ giúp cho bạn có nhiều trải nghiệm đặc biệt, có thêm nhiều mối quan hệ, tăng kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và giúp bạn học hỏi được rất nhiều thứ đấy. Bài viết của mình đến đây cũng dài quá rồi. Mình xin phép kết lại ở đây.

Chúc các bạn đang và sẽ là sinh viên Bách Khoa sẽ luôn có những kỉ niệm thật đẹp ở ngôi trường thân yêu này.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *