Nghiên cứu khoa học trên góc nhìn của sinh viên Thực Phẩm

Xin chào tất cả các bạn, mình đã trở lại rùi đây!!!

4 năm như một cơn gió vậy, năm thứ 5 tại Bách Khoa đã bắt đầu cũng là năm mình cần chuẩn bị nhiều thứ trước khi bước vào thị trường việc làm. Công việc mà chắc hẳn bất cứ một FoodTech_er nào cũng mong muốn thử sức đó là Nghiên cứu và phát triển sản phẩm hay viết tắt là R&D (Research and Development).

Tuy nhiên, đối với công việc này thì các kinh nghiệm làm việc tại phòng thí nghiệm và thực hiện các nghiên cứu lại vô cùng quan trọng. Chỉ kiến thức tại các môn học thí nghiệm thôi có lẽ cũng chưa đủ, để có thể apply thành công vào vị trí này trong tương lai thì ngay tại thời sinh viên việc bạn có thể tham gia nghiên cứu khoa học trại trường đại học sẽ là một điểm cộng lớn.

Vậy thì nghiên cứu khoa học là gì? và nó giúp ích thế nào cho mình trong quá trình học tập. Cùng đi sâu vào nội dung bài viết bên dưới nhé!

Lưu ý: Bài viết dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình và phù hợp nhất cho những bạn sinh viên đang học Thực Phẩm tại Bách Khoa.

Nghiên cứu khoa học là gì ?

Nói một cách chuẩn chỉnh về định nghĩa thì có lẽ mình không chắc nhưng với những trải nghiệm của bản thân thì mình thấy rằng nghiên cứu khoa học trong thực phẩm tương tự như việc bạn thử nghiệm nhiều công thức nấu ăn để cho ra một món ăn ngon nhất.

Sổ tay dắt túi 20 mẹo nấu ăn ngon mỗi ngày phải biết

Tuy nhiên việc nghiên cứu sẽ có nhiều thứ phức tạp và cần làm theo quy trình, phương pháp hơn so với việc chúng ta tự mần mò nấu nướng tại nhà. Ngoài ra thì để làm nghiên cứu chúng ta cũng cần hiểu sâu sắc về mục tiêu nghiên cứu, những nguyên liệu chúng ta sử dụng, những biến đổi có khả năng xảy ra và nguyên tắc khi thực hiện các thí nghiệm để có thể thu được số liệu với ít sai số nhất có thể, từ đó đưa ra được kết luận đúng đắn cho nghiên cứu của mình.

Việc bạn sẽ làm khi tham gia nghiên cứu khoa học chắc chắn là thực hiện thí nghiệm liên quan đến lĩnh vực bạn lựa chọn. Đối với lĩnh vực thực phẩm, kiến thức hoá sinh, vi sinh và cùng các thao tác và nguyên tắc thực hiện của các thí nghiệm hoá sinh, vi sinh đều cần phải nắm rõ.

Mình sẽ đưa ra một nghiên cứu để các bạn hình dung như sau:

  • Bạn muốn sản xuất chế phẩm canxi làm thực phẩm chức năng từ vỏ trứng gia cầm (Vỏ trứng gia cầm có hàm lượng canxi cao). Vậy mục tiêu của nghiên cứu sẽ là Tối ưu hoá các điều kiệu tách và thu canxi từ vỏ trứng.
  • Để thu canxi từ vỏ trứng, chúng ta cần hiểu thành phần của vỏ trứng gồm những thành phần gì, phần nào chứa nhiều canxi cần thu lại, phần nào cần loại bỏ đi và phương pháp loại bỏ ra sao.
  • Do phần cần loại bỏ khỏi vỏ trứng chủ yếu là protein thì có thể sử dụng NaOH và enzyme để hoà tan protein và còn lại phần canxi kết tủa, từ đó lọc phân tách và thu được canxi có hàm lượng lớn, độ tinh khiết cao.

Ví dụ về một số thí nghiệm chúng ta cần làm trong nghiên cứu này đó là:

  • Khảo sát các nồng độ NaOH –> nồng độ NaOH cho hiệu quả tách canxi cao nhất.
  • Khảo sát các nồng độ enzyme –> nồng độ enzyme cho hiệu quả tách canxi cao nhất.

Để tính hiệu suất tách canxi thì ta phải có phương pháp đo hàm lượng canxi có trong chế phẩm sau khi tách chiết.

Đối với từng thử nghiệm sẽ có những phương pháp đo lường khác nhau, hiểu rõ nguyên tắc và chú ý trong các phương pháp đo lường giúp chúng ta tránh phải lặp đi lặp lại một thí nghiệm nhiều lần.

Ưu – Nhược điểm khi tham gia Nghiên cứu khoa học

Ưu điểm:

– Hiểu sâu hơn kiến thức ở trên trường lớp, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cá nhân trong lĩnh vực quan tâm: Khi chúng ta tự mình làm các thí nghiệm và gặp những hiện tượng, vấn đề cần giải quyết, chúng ta sẽ cần phải tự mình đi tìm kiếm thông tin và tìm ra gốc rễ vấn đề. Chính điều này giúp chúng ta tiếp thu kiến thức một cách chủ động và ghi nhớ lâu hơn so với việc chỉ học lý thuyết.

– Tiếp cận dần với công việc R&D

– Lợi thế khi apply vào vị trí R&D: Một trong những ưu tiên từ nhà tuyển dụng đối với công việc R&D là có 1-2 công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy đây là một lợi thế giúp sinh viên mới ra trường dễ dàng có được công việc hơn.

– Quen biết được nhiều bạn bè tại phòng lab, thân thiết hơn với các thầy cô hướng dẫn: Mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực nghề nghiệp tương lai sẽ giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp của bạn. Đặc biệt một số bạn sinh viên làm đề tài cho các thầy cô có thể được thầy cô giới thiệu vào các công ty đối tác cùng lĩnh vực nghiên cứu mà không cần phải tìm việc vất vả.

– Cơ hội đi du học và học Thạc sỹ cao hơn: Yêu cầu để có thể học Thạc sỹ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đó là phải thực hiện Đồ án tốt nghiệp là dạng đồ án nghiên cứu khoa học. Định hướng được mục tiêu rõ ràng cho bản thân sẽ giúp bạn có động lực để làm nghiên cứu khoa học hơn.

Nhược điểm

– Tốn thời gian, cần sự kiên trì và nỗ lực lớn: Mình đã từng trải qua quá trình nghiên cứu trong 1 kì học vừa qua và mình đúc kết ra rằng việc nghiên cứu không hề dễ dàng như mình tưởng tưởng. Một thí nghiệm bạn có thể sẽ phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Điều này có thể rất dễ gây nản chí chính vì vậy nếu bạn không có đam mê và sự kiên trì quyết tâm cùng mục tiêu rõ ràng thì nghiên cứu khoa học có lẽ không phù hợp với bạn.

– Có thể phải tiếp xúc với hoá chất độc hại (tuỳ đề tài nghiên cứu): Việc làm các thí nghiệm hoá học, hoá sinh, vi sinh và khả năng phải tiếp xúc các hoá chất độc hại là điều mà một người làm nghiên cứu khoa học thực phẩm cần phải chấp nhận. Bạn cần cân nhắc điều này trước khi quyết định có nên tham gia nghiên cứu khoa học hay không.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc cũng như biết thêm về quá trình học tập ở Bách Khoa đừng ngần ngại hãy nhắn tin ngay về fanpage SMIFOOD của chúng mình nhé! Chúng mình rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm!

Bạn có thể xem thêm: Những lưu ý khi học thí nghiệm ở Đại học Bách Khoa Hà Nội

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *