Review một số môn cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm Bách Khoa – Phần 2

Chào các bạn,

Mình đã trở lại rồi đây! Sau một thời gian dài học tập và quay cuồng với công việc và học tập mình đã lãng quên chiếc website này. Tiếp nối phần 1, hôm nay mình xin review tiếp cho các bạn sinh viên về các môn cơ sở ngành mà mình đã vượt qua trong kì 1 của năm 3 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mong là nó hữu ích với bạn.

Trước khi vào nội dung chính thì mình muốn lưu ý rằng bài viết này mình viết dưới góc nhìn của một sinh viên năm 3 với những trải nghiệm mà mình đã trải qua. Nội dung mang tính chất tham khảo vì chương trình học càng về sau sẽ có những cập nhật và đổi mới.

QUÁ TRÌNH & THIẾT BỊ TRONG CNTP II

Tiếp nối chuỗi môn học về Quá trình và Thiết bị trong CNTP thì mình xin giới thiệu đến các bạn môn Quá trình và Thiết bị trong CNTP II. Ở môn học này nội dung chủ yếu chúng ta sẽ học về phần truyền nhiệt (Bản chất quá trình truyền nhiệt, tính toán và các thiết bị truyền nhiệt thường được sử dụng).

Môn học này thường sẽ chỉ mở học phần vào kì 1 của các học kì, vậy nên bạn cần chú ý thời gian đăng ký học phần mà trường thông báo để không bị chậm chương trình nhé. Thường thì mọi người sẽ học môn này ở kì 1 của năm 3.

Về phần đề thi thì năm mình học là học online do dịch bệnh nên đề thi giữa kì là thi tự luận và cuối kì là đề thi trắc nghiệm. Với đề thi giữa kì thì nội dung thi chủ yếu của các bạn sẽ là phần bản chất của quá trình truyền nhiệt và các bài tập tính toán trong quá trình truyền nhiệt.

Thiết bị trao đổi nhiệt ống lồng ống - Kỹ thuật thực phẩm Bách khoa

Thiết bị trao đổi nhiệt ống lồng ống, một thiết bị các bạn sẽ học trong môn học

Về cơ bản thì mình thấy bài tập và lý thuyết của giữa kì không quá khó.  Bạn chỉ cần chăm chỉ nghe giảng, đọc thêm các tài liệu mà thầy cô giới thiệu sẽ có dạng bài tập y hệt mà bạn chỉ cần áp dụng lại cách làm hay biến đổi một chút công thức là được. Còn về phần lý thuyết bạn sẽ được học về ba phương thức truyền nhiệt chính là dẫn nhiệt, nhiệt đối lưu và bức xạ nhiệt rồi. Đề thi của mình thì gồm 2 câu, 1 câu lý thuyết và 1 câu bài tập. Tuy nhiên hiện tại thì các bạn sinh viên đều đã được đi học offline nên cấu trúc đề thi có thể sẽ khác.

Về phần thi cuối kì thì mình thi theo hình thức trắc nghiệm online nên chắc chắn sẽ khác với thi offline. Theo mình tham khảo từ các anh chị khóa trước thì học offline sẽ thi tự luận. Vì sau khi học hết về bản chất và tính toán quá trình truyền nhiệt thì các bạn sẽ học đến các thiết bị truyền nhiệt được sử dụng phổ biến. Vậy nên mình dự đoán cấu trúc đề thi sẽ có 1-2 bài tập tính toán, 1 câu về một loại thiết bị truyền nhiệt mà bạn đã học và một câu về phần đầu bản chất quá trình truyền nhiệt.

QUÁ TRÌNH & THIẾT BỊ TRONG CNTP III

Tiếp theo vẫn trong series môn học về Quá trình và thiết bị. Chúng ta đến phần thứ 3 của series này. Ở phần thứ 3 này các bạn sẽ được học về các quá trình chuyển khối. Cụ thể hơn thì các bạn sẽ học về các quá trình như cô đặc, hấp phụ, trích ly, chưng luyện, sấy, … Các thiết bị sử dụng trong từng quá trình và tính toán cân bằng vật liệu, cân bằng năng lượng,  các thông số của thiết bị đó.

Tương tự như môn QTTB CNTP II môn này cũng chỉ mở học phần vào kì 1 của các học kì. Đối với mình thì đây là môn học khó nhất trong 3 môn học Quá trình Thiết bị vì nó khá là trừu tượng về mặt lý thuyết, khó để hiểu và nhớ. Tuy nhiên đối với bài tập trong các tài liệu hướng dẫn mà thầy cô cho bạn sẽ có những dạng bài tương tự với bài tập thầy cô cho, bạn tìm mẫu và làm theo là được. Ngoài ra cũng sẽ có một số bài tập phải biến đổi một chút về công thức nhưng nó sẽ không làm khó bạn đâu.

Về đề thi thì mình có điểm giữa kì bằng cách nộp bài tập cô giao và cô lấy điểm trung bình điểm các bài tập để làm điểm giữa kì nên mình cũng không biết khi học offline các bạn có phải thi không và nếu thi thì đề thi sẽ như thế nào. Tuy nhiên mình nghĩ rằng các bạn cứ làm chắc bài tập thì sẽ không phải lo về chuyện bị tạch môn học này.

Về đề thi cuối kì, mình rút ra được kinh nghiệm chung là các bạn sẽ phải học hết về cấu tạo, nguyên tắc hoạt động các thiết bị mà thầy cô đã giới thiệu, nếu may mắn thầy cô có thể giới hạn đề nội dung học của bạn ít hơn nhưng thường thì môn học này là môn học khá quan trọng với ngành nên thường thì sẽ phải học hết. Sẽ có câu hỏi về bài tập, cấu tạo nguyên lý một loại máy móc nào đó. Và có thể thầy cô sẽ cho thêm câu hỏi tình huống ví dụ như muốn sản xuất loại thực phẩm này thì dùng thiết bị nào.

Ngoài ra, thì cả 2 môn học ở trên đều sẽ có phần thí nghiệm làm điều kiện để các bạn có thể thi cuối kì và qua môn. Ở đây mình có mẫu báo cáo phần thí nghiệm của 2 môn học này ở đây cho bạn nào cần tham khảo:

+ Báo cáo thí nghiệm QTTB CNTP II

+ Báo cáo thí nghiệm QTTB CNTP III

Viết đến đây thì cũng khá là dài rồi mình xin kết bài ở đây và tiếp tục review thêm các môn học sau ở phần tiếp theo nha.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc cũng như biết thêm thông tin về các môn học ở Bách Khoa đừng ngần ngại hãy nhắn tin ngay về fanpage SMIFOOD của chúng mình nhé! Chúng mình rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *