Những lưu ý khi học Thí nghiệm ở Đại học Bách Khoa Hà Nội

Chào các bạn,

Với đặc thù là một trường về kỹ thuật nên các môn thí nghiệm là một trong số những môn học nặng và không thể thiếu ở Đại học Bách Khoa. Theo quan điểm của mình thì đây cũng là những môn học dễ có cơ hội “TẠCH” nhất do yêu cầu khắt khe và cần có sự tập trung cao.

Chính vì vậy mình viết bài viết này nhằm mục đích giúp các bạn có thể phần nào tránh được nguy cơ tạch môn với những môn học thí nghiệm ở  Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trước khi vào nội dung chính thì mình muốn lưu ý rằng bài viết này mình viết dưới góc nhìn của một sinh viên năm 3 với những trải nghiệm mà mình đã trải qua. Nội dung mang tính chất tham khảo vì chương trình học càng về sau sẽ có những cập nhật và đổi mới.

Sau đây chúng ta sẽ cùng đi vào những lưu ý khi học thí nghiệm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội nha:

1. Đọc trước và chuẩn bị nội dung thí nghiệm trước khi đến lớp

Trước khi đến thời gian thí nghiệm các thầy cô sẽ gửi cho bạn tài liệu thí nghiệm để các bạn có thể đọc trước và chuẩn bị trước khi đến phòng thí nghiệm.

Việc này vô cùng quan trọng bởi vì khi đến buổi học các thầy cô sẽ không hướng dẫn lại nữa mà chỉ kiểm tra xem nội dung các bạn đã chuẩn bị như thế nào? Các bạn chuẩn bị đủ để có thể tiến hành thí nghiệm hay chưa?

Những nỗi niềm của tân sinh viên khi lên thành phố - Giới trẻ

Nếu hôm đó các bạn chuẩn bị chưa tốt thì rất có thể các bạn sẽ bị mời về và thí nghiệm bù vào một hôm khác. Về hình thức kiểm tra thì sẽ là hỏi đáp. Thầy cô hỏi, bạn trả lời.

Nội dung mà các thầy cô thường hỏi đó là: Nguyên tắc của bài thí nghiệm, các lưu ý trong quá trình thí nghiệm, cách tiến hành bài thí nghiệm. Những thứ đó bạn đều phải nắm rõ để tránh bị “mời về” cũng như xảy ra vấn đề, lỗi sai trong quá trình thí nghiệm.

Hầu như các bài thí nghiệm sẽ phải làm trong khoảng thời gian khá lâu nên việc gặp phải lỗi sai và phải tiến hành làm lại sẽ rất mất thời gian nên các bạn chú ý nhé!

2. Đi học đúng giờ và đầy đủ

Bình thường nếu các tiết học lý thuyết và bài tập thì nếu không điểm danh bạn có thể đến muộn hoặc cúp học nếu có việc bận. Nhưng với những giờ học thí nghiệm thì không.

Bạn cần phải đi học đầy đủ và đúng giờ tất cả các buổi học vì buổi nào cũng điểm danh. Khi đến muộn thì sẽ lỡ mất thời gian làm thí nghiêm. Nhiều thầy cô khó tính thậm chí sẽ không cho bạn vào thí nghiệm khi bạn đến muộn.

3. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng thí nghiệm

 

Vào buổi đầu tiên khi đi thí nghiệm, các thầy cô đều sẽ nhấn mạnh các quy tắc an toàn khi làm việc phòng thí nghiệm. Bạn cần phải lưu ý những quy tắc này để bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như các bạn học khác.

thí nghiệm ở Đại học Bách Khoa

Ngoài ra việc tuân thủ nghiêm ngặt cũng như tập trung cao độ trong quá trình thí nghiệm sẽ giúp bạn tránh làm hỏng các thiết bị đắt tiền tại phòng thí nghiệm và tránh phải đền tiền.

4.  Ghi chép đầy đủ các lưu ý của thầy cô trong quá trình thí nghiệm

Sau khi làm thí nghiệm các bạn sẽ phải viết báo cáo và xử lý số liệu mình đã thu được. Việc ghi chép đầy đủ lưu ý và giải thích của thầy cô trong quá trình thí nghiệm sẽ giúp bạn có một bài cáo đầy đủ chi tiết và hoàn thiện hơn.

Đối với mình một mẹo mình thường sử dụng đó là ghi âm trong lúc các thầy cô đang giảng. Vì mình là một đứa khả năng tập trung rất  yếu nên mình ít khi có thể vừa nghe hiểu và viết lại tất cả những gì thầy cô đang nói.

Chính vì vậy việc ghi âm và nghe lại vào lúc mình tỉnh táo tập trung nhất là một giải pháp đối với mình.

5. Viết báo cáo

Báo cáo thí nghiệm thường sẽ được chấm và lấy điểm giữa kì cho môn học thí nghiệm đó của bạn. Chính vì vậy việc viết báo cáo cũng quan trọng không kém so với việc thực hiện thí nghiệm. Một mẹo của mình khi làm báo cáo đó là các bạn có thể xin lại báo cáo mẫu từ các anh chị. Việc này sẽ giúp các bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong việc làm báo cáo.

2 phần mà mình nghĩ là quan trọng nhất để lấy điểm cao trong các báo cáo đó là phần xử lý số liệu và đưa ra nhận xét, giải thích cho số liệu thu được. Khi đi làm thí nghiệm thì không thể tránh được các sai sót có thể xảy ra và làm ảnh hưởng đến số liệu thu được.

Phần lớn các thí nghiệm đều khó mà thu được số liệu đẹp như mong muốn. Chính vì vậy quan trọng hơn là  chúng ta cần phải biết số liệu đó vì sao nó lại như thế, công đoạn và bước làm nào bị lỗi,…

Cá nhân mình thấy môn học thí nghiệm là những môn giúp chúng mình có thể hiểu sâu hơn những kiến thức mà chúng mình đang học vì chúng ta có thể áp dụng lý thuyết vào thực hành, giải thích các hiện tượng xảy ra bằng kiến thức của bản thân. Vô cùng thú vị phải không nào?

Bài viết về lưu ý khi tham gia thí nghiệm ở đại học Bách Khoa Hà Nội của mình đến đây xin được kết thúc. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc cũng  như biết thêm thông tin về các môn học ở Bách Khoa đừng ngần ngại hãy nhắn tin ngay về fanpage SMIFOOD của chúng mình nhé! Chúng mình rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm!

Bạn có thể xem thêm: Review môn học cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *