Review một số môn cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm Bách Khoa – Phần 3

Chào các bạn,

Nối tiếp phần 1, phần 2 của chuỗi review các môn cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm Bách Khoa.  Mình xin review về các môn học tiếp theo đó là: Vật lý học thực phẩm, Vi sinh Thực Phẩm, An toàn Thực Phẩm và Dinh dưỡng.

Các môn học này thì thường được học vào năm 3 hoặc năm 4.  Vì vậy nên bạn có thể đăng ký vào bất cứ kì nào của năm 3, năm 4 nhé. Hoặc cũng có thể đăng ký học vào năm 2 nếu bạn muốn chạy nhanh chương trình. Tuy nhiên một số môn học sẽ có điều kiện đi kèm để có thể đăng ký học được, vậy nên bạn chú ý những điều kiện đó để sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý cho mình nhé!

Trước khi vào nội dung chính thì mình muốn lưu ý rằng bài viết này mình viết dưới góc nhìn của một sinh viên năm 3 với những trải nghiệm mà mình đã trải qua. Nội dung mang tính chất tham khảo vì chương trình học càng về sau sẽ có những cập nhật và đổi mới.

VẬT LÝ HỌC THỰC PHẨM

Đúng như tên gọi, môn học này bạn sẽ học những kiến thức vật lý nhưng ứng dụng chúng trong thực phẩm. Ví dụ như bạn sẽ học về đường kính tương đương  để so sánh được kích thước của các loại nguyên liệu với nhau; bạn sẽ học về tỷ trọng, dung trọng,  của các loại nguyên liệu;… và rất nhiều thông số khác như độ rỗng, nhiệt dung riêng,… Những thông số này giúp ta hiểu rõ nguyên liệu cũng như yêu cầu sản phẩm hơn. Từ đó, có thể đưa ra những xử lý phù hợp với nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu.
Một điều mình chắc chắn là môn học này sẽ không khó bằng vật lý đại cương các bạn đã trải qua ở năm nhất, năm hai. Phần bài tập của môn này chủ yếu là áp dụng công thức đã cho. Mẫu bài tập mà các thầy cô cho ở trên lớp thường sẽ nằm luôn trong đề thi. Vậy nên chỉ cần bạn nào đi học đầy đủ chăm làm bài tập một chút là sẽ không khó để đạt điểm A.
Độ rỗng bánh mì - thông số trong môn học VLTP của kỹ thuật thực phẩm bách khoa
Độ rỗng của sản phẩm bánh mì (Độ rỗng cũng là một trong những thống số được học trong môn vật lý học thực phẩm) 

VI SINH THỰC PHẨM

Đây có lẽ là môn học mình thích nhất trong tất cả môn vì từ hồi cấp hai mình đã rất thích học sinh học và đặc biệt là những phần kiến thức liên quan đến vi sinh. Môn học này các bạn sẽ học về các loại vi sinh vật được ứng dụng nhiều như: vi khuẩn, nấm men, nấm mốc, vi rút. Bạn sẽ được học về cấu tạo tế bào, phương thức sinh sản, đặc điểm của từng loại nêu trên. Sau đó bạn sẽ được học về trao đổi chất của các vi sinh vật rồi sinh thái của chúng và một chương rất quan trọng đó là Ứng dụng vi sinh vật trong CNTP.
Môn học này theo mình nghĩ thì đối với dân theo khối A mà không học được sinh sẽ khá là nhàm chán bởi kiến thức chủ yếu là lý thuyết và không có bài tập. Nếu bạn có đam mê và hiểu bản chất thì việc ghi nhớ kiến thức sẽ vô cùng dễ dàng thôi. Hoặc nếu cảm thấy khó khăn thì mình có một phương pháp rất quen thuộc đó là sơ đồ khối. Việc vẽ lại kiến thức bằng sơ đồ khối sẽ giúp bạn nhìn được tổng quát của môn học và từ đó cũng dễ ghi nhớ những ý chính hơn.
Đề thi và điểm số của môn học này cũng được quyết định tùy thuộc vào bạn học thầy cô nào. Tùy từng thầy cô sẽ có cách cho đề và chấm điểm khác nhau. Hãy thích nghi với từng thầy cô và tham khảo các anh chị khóa trên để có được kết quả học tập tốt nhất nhé!
nấm men
Hình ảnh nấm men (một trong những loại vi sinh vật được học ở môn vi sinh thực phẩm)

AN TOÀN THỰC PHẨM

Đây là một môn học khá nhẹ nhàng trong kì 1 năm 3 của mình. Môn này chủ yếu học về các tác nhân gây ô nhiễm trong thực phẩm như là: Tác nhân sinh học (vi khuẩn, nấm, virut,…), Tác nhân vật lý ( phóng xạ, bụi,….), Tác nhân hóa học (thuốc trừ sâu, chất bảo quản, kim loại nặng,..). Chúng ta sẽ học về cơ chế tác động và nhiễm vào thực phẩm của các tác nhân này cũng như khả năng gây hại của chúng đối với cơ thể con người. Từ đó đề ra các biện pháp để có thể xử lý.

Theo như mình thấy thì ở môn học này yêu cầu các bạn phải tự tìm hiểu rất nhiều vì thầy cô sẽ giao đề tài và chia nhóm để các bạn tìm hiểu về từng đề tài đó. Sau đó phần lớn các tiết học chúng mình sẽ báo cáo các đề tài mà chúng mình đã tìm hiểu. Thầy cô sẽ dựa vào báo cáo của bạn để cho điểm giữa kì.

Một kinh nghiệm của mình sau khi học môn học này đó là nên chọn báo cáo ở phía sau tức là không chọn là nhóm báo cáo đầu tiên trong tất cả các nhóm. Một lý do có lẽ rất hiển nhiên đó là khi bạn báo cáo phía sau thì bạn sẽ lụm nhặt được những góp ý của cô cho báo cáo phía trước từ đó hoàn thiện báo cáo của mình hơn để được điểm cao hơn. Tuy nhiên cũng không nên báo cáo ở phía gần cuối vì thời gian cuối là thời gian cuối kì.

Đây là mẫu báo cáo của mình với đề tài Ngộ độ Histamine và cơ chế

Về đề thi cuối kì thường là đề mở. Tùy vào thầy cô sẽ có dạng đề khác nhau. Tuy nhiên điểm chung mà mình thấy ở các đề thi đó là bạn sẽ phải vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Ví dụ như thầy cô sẽ cho các bạn một quy trình sản xuất 1 sản phẩm thực phẩm bất kỳ. Bạn sẽ phải phân tích các tác nhân có thể gây ô nhiễm trong quy trình đó và đưa ra biện pháp khắc phục.

DINH DƯỠNG

Nghe tên là đã biết môn học này học về các bữa ăn hàng ngày của chúng ta đúng không ạ? Đúng vậy. Ở môn học Dinh dưỡng này chúng ta sẽ được học về các thành phần Protein, Lipid, GLuxit, Vitamin và Khoáng. Chúng có vai trò như thế nào với cơ thể chúng ta? Chúng ta sẽ học về các mức chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cân bằng hài hòa các nhóm chất sinh năng lượng và chế độ ăn dành cho một số đối tượng như là người béo phì, người cao tuổi, người lao động nặng,…

Một điểm thú vị mà mình nhận được khi học môn học này đó là bạn sẽ có cơ hội khảo sát các bữa ăn hàng ngày của bạn để tính toán xem chế độ ăn của bạn đã hợp lý hay chưa. Đây chính là một loại bài báo cáo để có thể tính điểm giữa kì cho bạn.

Cụ thể hơn là điểm giữa kì của bạn sẽ được tính bằng điểm báo cáo với 3 loại đề tài mà bạn có thể lựa chọn. Loại đề tài đầu tiên là báo cáo về vai trò của các nhóm chất dinh năng lượng (protein, lipid, gluxit,…). Loại đề tài thứ 2 là báo cáo về xây dựng chế độ dinh dưỡng cho một đối tượng đặc biệt như người tập gym, phụ nữ mang thai,… Loại đề tài thứ 3 là báo cáo về khảo sát chế độ dinh dưỡng của một nhóm đối tượng.

Thường thì các nhóm sẽ chọn đề tài số 2 và 3 nhiều hơn vì đề tài loại 1 thì đã có sẵn trong các slide của thầy cô rồi. Và thầy cô cũng sẽ không đánh giá cao các bạn chọn đề tài loại này. So với đề tài số 2 thì đề tài số 3 sẽ được các thầy cô ưu tiên cộng điểm do quá trình khảo sát chế độ dinh dưỡng phải tính toán nhiều và mất công sức hơn. Thường nếu bạn chọn đề tài số 3 thầy cô sẽ khuyến khích bạn khảo sát ngay chế độ dinh dưỡng của bản thân mình và các bạn trong nhóm hay trong lớp.

Đây là mẫu báo cáo của mình với đề tài Khảo sát chế độ dinh dưỡng của sinh viên

Đối với thi cuối kì thì nội dung học cũng chỉ trong slide và không quá khó.

Bài này khá là dài mong là các bạn có thể tìm được thông tin hữu ích cho mình. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc cũng  như biết thêm thông tin về các môn học ở Bách Khoa đừng ngần ngại hãy nhắn tin ngay về fanpage SMIFOOD của chúng mình nhé! Chúng mình rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm!

4 Replies to “Review một số môn cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm Bách Khoa – Phần 3”

  1. Ui em mới khám phá ra page này đỉnh quá ạ <3 mong chị sẽ thường xuyên lên bài viết em sẽ cố gắng theo dõi hết ạ <3 em cũng học ngành này sắp hết năm 2 rồi mà còn lơ ngơ lắm hihi =))))

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *