“Năm 3” ở Bách Khoa có dễ thở như lời đồn ? – Kinh nghiệm học Bách Khoa

Chào các bạn,

Khi mới là một sinh viên năm nhất Bách Khoa, những ngày đầu được tham gia rất nhiều các buổi sinh hoạt công dân, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm từ các thầy cô, các anh chị sinh viên trong cùng viện chuyên ngành, thì có một chia sẻ mình nhớ rất rõ. Đó là các thầy cô bảo rằng năm nhất, năm hai thường là khó khăn nhất với các bạn sinh viên, vượt qua 2 năm đó thì năm thứ 3 các bạn sinh viên sẽ thấy “dễ thở” hơn.

Và nay, mình đã bước sang năm 3, mình đã rất háo hức vì nhớ lời thầy cô nói rằng năm 3 sẽ nhẹ nhàng và dễ thở hơn. Mình còn đã có suy nghĩ hơi ngu ngốc là: Năm 3 mà thời gian rảnh nhiều quá thì phải làm gì nhỉ ? 🤔. Rồi thì khi đăng ký học tập mình còn nghĩ: Chết rồi mình đăng ký học ít quá, phải tìm môn nào đó học thêm. Đó và  nhờ những suy nghĩ ngu ngục đó, sau khi học được nửa kì đầu tiên của năm học thứ 3, mình đã bị chìm trong hố đen Deadline KHÔNG HỒI KẾT.

Năm thứ 3, với ngành học Kỹ thuật Thực Phẩm, các bạn sẽ bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với những môn chuyên ngành. Một vài môn học như mình đang học đó là: Vi sinh vật thực phẩm, Vật lý học thực phẩm, Dinh dưỡng, An toàn thực phẩm,.. bla bla rất nhiều môn học khác.

Vì là môn chuyên ngành nên là tất cả các môn học này bạn đều không thể lơ là được. Trước đó năm nhất năm hai thì có một vài môn đại cương thì bạn có thể học qua loa vì dù sao đó cũng chỉ là đại cương thôi mà. Nhưng một khi đã học các môn liên quan đến ngành học, đó là những kiến thức mà sau này đi làm bạn sẽ cần dùng đến.

Thế nên, lơ là một chút thôi thì sau này miếng cơm manh áo của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Mình nói đùa một chút vậy thôi nhưng thực sự là năm 3 là năm các bạn sinh viên bắt đầu tập trung hơn vào việc học thay vì tham gia nhiều vào các hoạt động bổ trợ, ngoại khóa như năm nhất, năm hai,…

Một đặc điểm nữa của năm 3 khiến mình thấy “khó thở” đó là thay vì thi giữa kì để lấy điểm quá trình như các năm trước thì các thầy cô thường giao đề tài và chúng mình phải làm báo cáo để nộp lấy điểm quá trình. Đây chính là ” hố đen Deadline” mà mình đã nhắc tới ban nãy. Việc đi tìm hiểu và làm báo cáo cần phải kĩ  càng và nhiều công việc hơn, chính vì thế mà cũng bận rộn hơn.

Năm thứ 3 mình học 9 môn mà có tới 5 môn phải làm báo cáo lận. Không chỉ làm báo cáo thỉnh thoảng các thầy cô lại giao các bài tập. Cứ dồn dập như vậy, hết deadline này đến deadline khác, thời gian trôi nhanh kinh khủng. Gần như chúng mình phải chạy đua với thời gian. Thỉnh thoảng mà lỡ không note lại dealine rồi quên không làm thì cứ gọi là  “TOANG”.

Nửa kì chạy deadline không ngừng nghỉ giúp mình rút ra một vài kinh nghiệm nho nhỏ mong rằng nó có thể giúp ích phần nào đó cho các bạn sinh viên. Đó là:

1. Note lại tất cả những deadline cần làm và thời gian hoàn thành

Đây gần như là việc quan trọng nhất để bạn không bỏ lỡ bất cứ chiếc deadline nào cả. Hãy note lại ngay khi chúng được giao. Và vì vậy, việc có một chiếc sổ và một cái bút luôn luôn ở bên cạnh bạn là vô cùng cần thiết. Hoặc bạn cũng có thể note lại trong điện thoại cũng được.

Riêng mình thì mình thích note ra sổ hơn. Mỗi ngày mở chiếc sổ ra xem vài lần xem mình đã làm được những gì, những gì mình cần làm tiếp theo. Nếu bạn là một người khéo tay, bạn cũng có thể trang trí cho chiếc sổ của bạn bằng cách vẽ hay dán lên đó một vài chiếc sticker. Một chiếc sổ đẹp sẽ giúp bạn có hứng thú hơn mỗi khi xem lại danh sách công việc cần hoàn thành đó.

2. Sắp xếp thứ tự công việc quan trọng – không quá quan trọng

Sau khi note lại những chiếc deadline thì việc sắp xếp chúng xem chúng ta cần làm thứ gì trước và thứ gì sau cũng quan trọng không kém. Công việc sẽ không hiệu quả nếu như bạn làm nhiều thứ môt lúc. Vậy nên hãy sắp xếp chúng lại, đánh dấu chấm than cho những việc cần hoàn thành đầu tiên. Như thế sẽ giúp bạn tập trung hoàn thành tốt và không bị trễ những deadline quan trọng.

Tiêu chí để xem chúng có quan trọng hay không dựa vào nhiều yếu tố. Ví dụ như mình có 2 chiếc deadline cùng vào 8:00 ngày 15 tháng 11 năm 2021. Nhưng một cái của môn Kĩ năng mềm, một cái của môn Vi sinh Thực Phẩm. Đương nhiên là mình sẽ ưu tiên hoàn thành deadline của môn Vi sinh hơn vì môn học này là môn học chuyên ngành quan trọng cần nhiều thời gian tìm hiểu kĩ càng, còn môn Kĩ năng mềm thì chỉ là một môn học bổ trợ thôi.

3. Tập trung hoàn thành, gạt bỏ mọi yếu tố tác động gây ảnh hưởng quá trình tập trung của bạn

Mỗi khi muốn tập trung làm một điều gì đó, hãy bỏ điện thoại sang một bên và tắt tiếng, có thể để chế độ rung cho các cuộc gọi, tắt hết tất cả các tab không liên quan đến công việc mà bạn định làm. Việc này sẽ khiến bạn không bị phân tâm và làm việc tốt hơn. Một chiếc deadline hãy cố gắng hoàn thành trong 1 khoảng thời gian nhất định, đừng để nó kéo dài vì như thế sẽ khiến bạn nản và mất đi cảm hứng khi làm công việc đó.

Ví dụ như: Deadline của mình hôm nay là phải hoàn thành xong bài viết này và đăng lên website SMIFOOD thì mình sẽ cố gắng hoàn thành nó trong khoảng 2 tiếng đồng hồ buổi chiều mà không phân nhỏ công việc ra thành buổi chiều viết một ít rồi buổi tối viết một ít.

Đó là 3 kinh nghiệm nho nhỏ giúp mình trải qua cuộc sống khắc nghiệt những ngày vừa rồi hiuhiu. Mong rằng nó sẽ hữu ích với các bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *