Review một số môn cơ sở ngành Kỹ thuật Thực Phẩm Bách Khoa – Phần 1

Chào các bạn,

Hôm nay mình sẽ bắt đầu chuyên mục review về các môn học trong ngành Kỹ thuật Thực Phẩm mà mình đang theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dành cho các bạn sinh viên mới hoặc các bạn học sinh có ý định theo học ngành này. Chúng ta sẽ đến với những môn học đầu tiên về cơ sở cốt lõi ngành nhé! Let’s go!

Trước khi vào nội dung chính thì mình muốn lưu ý rằng bài viết này mình viết dưới góc nhìn của một sinh viên năm 3 với những trải nghiệm mà mình đã trải qua. Nội dung mang tính chất tham khảo vì chương trình học càng về sau sẽ có những cập nhật và đổi mới.

NHẬP MÔN KỸ THUẬT THỰC PHẨM

Môn học này bạn sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát hơn về ngành mà bạn đã chọn theo học. Bạn sẽ học môn này ở khoảng kì 2 năm nhất. Môn này thì không quá khó, điểm thường khá là cao.

Kiến thức chính của môn gồm những nội dung như:

  • Sơ lược về ngành công nghiệp thực phẩm: bạn sẽ biết về Lịch sử ngành công nghiệp thực phẩm rồi Thực phẩm là gì? Phân loại thực phẩm, Mục tiêu của ngành công nghiệp thực phẩm,…
  • Đánh giá về chất lượng thực phẩm và quản lý chất lượng trong CNTP: Bạn sẽ hiểu sơ qua về các tiêu chí đánh giá chất lượng thực phẩm, các khái niệm trong đánh giá và quản lý chất lượng,…
  • Các quá trình công nghệ cơ bản trong chế biến CNTP: Gồm 3 quá trình chính: Quá trình sinh học (lên men), Quá trình gia công cơ học (cắt, thái, nghiền, chà,…), Quá trình gia nhiệt (đun nóng, nướng, rán,…)

Đặc biệt ở môn này bạn sẽ có 2 bài thí nghiệm đó là thực hành làm tương ớt và thực hành rang hạt hướng dương bằng máy rang hồng ngoại. 2 bài thí nghiệm này sẽ được thực hành ở trung tâm B4 nơi có nhiều máy móc và thiết bị. Về các máy móc thiết bị ở đây bạn sẽ được thầy cô giới thiệu trong các buổi thí nghiệm.

Nhớ ghi chép đầy đủ thông tin trong khi làm thí nghiệm để viết vào bài báo cáo sau khi hoàn thành thí nghiệm nhé. Bài báo cáo đó sẽ tính là điểm giữa kì của các bạn. Ở đây mình có mẫu báo cáo các bạn có thể tham khảo: BÁO CÁO NHẬP MÔN KỸ THUẬT THỰC PHẨM

Thi cuối kì thì các bạn sẽ thi viết. Thường thì sẽ có 3 câu. Nội dung thi từng năm sẽ khác nhau, tuy nhiên hãy chú ý nghe giảng trên lớp cũng như ở phòng thí nghiệm vì trong lúc giảng thầy cô sẽ lưu ý những phần sẽ thi vào và cần ôn tập đó.

Nhập môn kỹ thuật thực phẩm bách khoa

Đây là máy nghiền bạn sẽ gặp khi học thực hành

HÓA PHÂN TÍCH

Đây là môn học tính toán khá nhiều. Tuy nhiên nó không quá rắc rối như giải tích, đại số mà bạn chỉ cần hiểu rõ bản chất, nhớ và biết áp dụng công thức vào đúng chỗ là được. Môn này bạn sẽ học ở kì 1 năm 2.

Trong môn này, các bạn sẽ được học các phương pháp phân tích thể tích như: phương pháp axit-bazo, phương pháp Oxi hóa – Khử, Phương pháp phức chất, Phương pháp kết tủa. Những phương pháp phân tích này sẽ dùng khi chúng ta cần xác định lượng chất đã tác dụng qua chuẩn độ hãy xác định pH của dung dịch,…

Về hình thức thi thì cả giữa kì và cuối kì đều thi tự luận. Đề thi thường gồm 2-3 câu (tùy thầy cô) và hầu hết là tính toán. Môn này không khó nhưng nếu không hiểu bản chất thì sẽ dễ bị nhầm và sai sót dẫn đến mất điểm nên hãy cẩn thận nhé!

HÓA SINH

Thường thì bạn sẽ học môn này ở kì 2 năm 2. Đây là một môn học khá quan trọng và là nền tảng đối với ngành. Hãy ghi chép cẩn thận và chăm chú nghe giảng nhé.

Môn học này thì không quá khó. Ở môn này bạn sẽ được tìm hiểu về cấu tạo, tên gọi, phân loại, tính chất của các nhóm chất có mặt trong cơ thể sống cũng như thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như: Protein, Lipit, Gluxit, Vitamin.

Ngoài ra bạn sẽ được học riêng một chương về Enzyme một thành phần có vai trò rất quan trọng trong cơ thể sống, được ứng dụng rất nhiều trong CNTP và một chương riêng về các quá trình trao đổi chất diễn ra bên trong tế bào (phân giải gluxit, lipid,…).

Nội dung môn học chủ yếu là lý thuyết, thêm có một vài dạng bài tập nhỏ đơn giản (tính vận tốc phản ứng, hoạt độ enzyme,…). Tuy nhiên đừng học thuộc mà hãy học và liên hệ với những hiện tượng trong thực tế cũng như các ứng dụng để nhớ lâu hơn. Ví dụ như khi nướng thịt thì thịt có màu vàng nâu đẹp mắt là nhờ sản phẩm của phản ứng Maillard hay khi rán trứng thì trứng đang lỏng lại đông lại là do protein bị biến tính bởi tác động của nhiệt độ .

Về hình thức, nội dung, độ khó của đề thi giữa kì như thế nào thì từng thầy cô sẽ khác nhau. Như thầy của mình thì lại không cho thi mà đưa ra đề tài, chia lớp thành các nhóm, từng nhóm làm tiểu luận rồi trình bày từ đó lấy điểm thi giữa kì. Một vài thầy cô khác thì cho thi giữa kì với hình thức là trắc nghiệm.

Bạn có thể tham khảo mẫu Bài tiểu luận hóa sinh của chúng mình tại đây. Hãy xin kinh nghiệm từ các anh chị khóa trên để thay đổi phương pháp học phù hợp với từng thầy cô nhé!

QUÁ TRÌNH & THIẾT BỊ CNTP 1

Ở môn học này các bạn sẽ được học nhiều các quá trình cơ học trong sản xuất thực phẩm như: làm nhỏ (cắt, thái, nghiền,…), bơm, tạo hình sản phẩm (ép, nén, đóng khuôn,…), làm sạch nguyên liệu, vận chuyển,…

Môn này thiên về máy móc nên bạn sẽ phải học thuộc khá nhiều về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, hình vẽ máy móc đó để thi giữa kì và cuối kì nhé. Về cơ bản thì cấu trúc đề thi cuối kì và giữa kì khá giống nhau. Sẽ gồm 2 câu bài tập (1 câu phần bơm, 1 câu phần thủy lực, phương trình bernounlli), 2 câu lý thuyết (1 câu vẽ máy nêu nguyên lý câu tạo và 1 câu cũng về phần bơm, thủy lực, phương trình bernounlli).

Môn này có tên gọi khác là Hóa công – Tên này rất nổi tiếng ở Bách Khoa vì là  một môn trong những môn khó với tỷ lệ tạch môn cao. Nên hãy chăm chỉ để không tạch môn nhé.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc cũng như biết thêm thông tin về các môn học ở Bách Khoa đừng ngần ngại hãy nhắn tin ngay về fanpage SMIFOOD của chúng mình nhé! Chúng mình rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *